Đặc trưng Limonit

Nó có độ cứng Mohs biến động nhưng nói chung trong khoảng 4-5,5[6] và tỷ trọng 2,7- 4,3.[6] Màu từ vàng chanh tới nâu xám, nâu thẫm, vết vạch trên tấm sứ không tráng men luôn là màu nâu, một đặc trưng giúp phân biệt nó với hematit có vết vạch màu đỏ, hoặc với magnetit với vết vạch màu đen.

Mặc dù nguyên được định nghĩa như là một khoáng vật, nhưng hiện nay người ta công nhận limonit như là hỗn hợp của các khoáng vật sắt oxit ngậm nước có liên quan, trong số đó có goethit, akaganeit, lepidocrocitjarosit. Các khoáng vật riêng rẽ trong limonit có thể tạo ra các tinh thể, nhưng bản thân limonit thì không, mặc dù các mẫu vật có thể thể hiện cấu trúc dạng sợi hay vi tinh thể,[7] và limonit thường xuất hiện dưới dạng kết khối hoặc các khối đặc chắc dạng đất; đôi khi ở các dạng như gò, chùm nho, thận hay thạch nhũ. Do bản chất vô định hình của nó, và sự xuất hiện trong các khu vực ngậm nước nên limonit thường xuất hiện như là đất sét hay đá bột. Tuy nhiên, vẫn có các giả hình limonit phỏng theo các khoáng vật khác, như pyrit.[6] Điều này có nghĩa là phong hóa hóa học biến đổi các tinh thể pyrit thành limonit bằng ngậm nước các phân tử, nhưng hình dạng ngoài của tinh thể pyrit vẫn được giữ nguyên. Các giả hình limonit cũng được hình thành từ các oxit sắt khác như hematit và magnetit; từ khoáng vật cacbonat là siderit và từ các silicat giàu sắt như granat almandin.